Giới thiệu chung Xã
Ngày 24/04/2020

1. Lịch sử hình thành :

Đông Phong có 04 làng (Văn Hải, Vũ Xá, Lạc Thiện, Phong Lai) được hình thành từ năm 1928. trong thời kỳ trước cách mạng tháng 8 năm 1945 và sau kháng chiến chống pháp năm 1954 thuộc xã Ngọc Thụ có 11 làng đến năm 1955 tách ra thành xã Đông Phong, gồm 4 làng 10 xóm. Thực hiện Quyết định 65 của UBND tỉnh dồn xóm thành thôn và lấy tên 4 làng thành tên 4 thôn ngày nay.

2. Truyền thống văn hóa :

Cùng với sự hình thành cộng đồng làng xã, dần dần các lễ nghi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo cũng ra đời và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Về tôn giáo, bên cạnh đạo Thiên chúa giáo chiếm gần 3.2% dân số, đại bộ phận người dân theo Phật giáo. Ngày nay, đình, chùa làng vẫn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Về tín ngưỡng, người dân Đông Phong có tục tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên theo huyết thống. Tục thờ cúng tổ tiên ở Đông Phong khá sâu sắc, gia đình nào cũng có bàn thờ gia tiên đặt ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình. Đó không chỉ là một loại hình tín ngưỡng mà cao hơn cả còn là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên, những người đã khuất.

Ngoài tín ngường thờ cúng tổ tiên ở gia đình, các làng trong xã còn có tục thờ Thành hoàng - thần hộ mệnh của cộng đồng làng xã. Tục thờ Thành hoàng ở Đông Phong đã có từ lâu, các vị thần được thờ chủ yếu là nhân thần, họ đều là những người có công thành lập lên làng ấp đánh giặc cứu dân, giúp nước. Cùng với đó, mỗi làng có một lễ hội khác nhau, thời gian và cách thức tổ chức lễ hội phụ thuộc vào mỗi vị thánh thờ.

3. Các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu

Đông Phong có các công trình lịch sử - văn hóa, trong đó 03 cơ sở đã được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Tỉnh như: Đình làng Văn hải (năm 1993); Đình làng Vũ Xá (năm 1993); Đình làng Phong Lai (năm 2009);

Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có nhiều đình, đền, chùa, miếu, lầu khác được phân bố ở các thôn.